TRẺ CON HỌC NGÔN NGỮ NHƯ THẾ NÀO? | 4 BÀI HỌC ĐẮT GIÁ CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

 

học tiếng anh 1


Các bạn có bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta có thể giao tiếp tiếng Việt một cách thành thạo nhưng khi học tiếng Anh, hầu hết chúng ta vật lộn rất vất vả? 

Có phải tiếng Việt chúng ta dễ hơn so với tiếng Anh?

Trong một bài viết khác mình có phân tích tại sao người lớn chúng ta nên học tiếng Anh như một đứa trẻ? Vậy rốt cuộc thì trẻ con học ngôn ngữ như nào? Hãy cùng mình đọc hết bài viết này.

NHỮNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ NHỮNG BƯỚC NGOẶT CỦA MỘT ĐỨA TRẺ

TRƯỚC KHI CHÀO ĐỜI

Có phải rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng quá trình một đứa trẻ học ngôn ngữ là từ giây phút chào đời? Nhưng theo rất nhiều nhà khoa học ở Trường Đại học Helsinki, Phần Lan; Trường Đại học Stockholm, Thụy Sĩ, và Trường Đại học Washington, Mỹ đã phát hiện ra rằng thai nhi đã thực sự bắt đầu lắng nghe từ khi nó bắt đầu thành hình ở trong bụng mẹ.
Họ đưa cho người mẹ nghe danh sách một số từ định sẵn trong những tuần cuối cùng của thai kỳ. Đứa bé trong bụng mẹ sẽ được lắng nghe các từ đó đều đặn từ 50-71 lần. Sau khi những đứa trẻ này được sinh ra, các nhà khoa học sẽ làm một số bài test. Và kết quả thì những đứa trẻ này sẽ ghi nhớ và nhận diện những từ mà chúng đã được cho nghe trong thời gian thai kỳ nhanh hơn và chính xác hơn.

học tiếng anh 2



Kết quả của nghiên cứu này nói gì với chúng ta?

Mình tin là các bạn hiểu rồi. 

Đó chính là 2 sự thật về việc học ngôn ngữ của một đứa trẻ từ khi còn trong bụng mẹ.

Thứ nhất. Trẻ em phát triển kỹ năng nghe đầu tiên ! Rõ ràng phải không? 
Thứ hai. Ngày đầu tiên một đứa trẻ bắt đầu học ngôn ngữ không phải là ngày nó được chào đời mà sự thật thì một đứa trẻ bắt đầu phát triển khả năng lắng nghe ngay từ 30 tuần còn trong bụng mẹ rồi.
Như vậy...?
Như vậy thì bạn hãy cẩn thận với những gì bạn nói và phát ngôn xung quanh một phụ nữ có thai nhé ! Được chứ? Vì có ai đó - bé xíu xiu - vẫn đang lắng nghe từng lời bạn nói nhen. 

0-6 THÁNG TUỔI

Có thể nói trẻ sơ sinh là những người nghe xuất sắc. Chúng đặc biệt thích lắng nghe giọng nói của người mẹ và ngay lập tức có thể dễ dàng phân biệt được giọng nói của mẹ với những giọng nói khác. Chúng cũng nhanh chóng học cách nhận diện ngôn ngữ mẹ đẻ với một ngoại ngữ khác lạ.

học tiếng anh 3

Sự giao tiếp của trẻ sơ sinh với môi trường xung quanh của bé tập trung ở sự thể hiện niềm vui và sự đau đớn khi cơ thể bị đau. Nếu bạn lắng nghe một trẻ sơ sinh cẩn thận, bạn sẽ thấy khi đứa trẻ có nhu cầu khác nhau thì tiếng khóc của bé cũng khác nhau. Nếu bé muốn mẹ sẽ khóc khác, nhưng bé đang bị đau thì tiếng khóc sẽ hoàn toàn khác.

Trong giai đoạn này, từ tháng thứ tư, đứa trẻ bắt đầu bập bẹ và sẽ thường có ấn tượng hơn với những từ có âm "m", "b", "a", khi chúng ta hướng dẫn bé gọi "mẹ", "ba", hoặc "bà".

6-12 THÁNG TUỔI

Đây là giai đoạn chúng ta hay gọi là giai đoạn " ú òa" - những đứa trẻ rất thích thú trò chơi ú òa.
Đứa trẻ tiếp tục lắng nghe rất nhiều từ môi trường xung quanh, từ các cuộc nói chuyện của bố mẹ, anh chị em trong nhà, và  thường sẽ rất chú ý và cười khi chúng ta gọi tên chúng và nói chuyện với chúng, mặc dù chúng chưa thể nói được gì.

Chúng cũng bắt đầu phản ứng với việc chúng ta nói "Xin chào", hoặc "Tạm biệt".
Chúng vẫn tiếp tục bập bẹ nhiều hơn. Tới tháng thứ 12, đứa trẻ lúc này mặc dù chưa nói được gì cả, nhưng chúng có thể nhận biết và phân biệt khá nhiều từ và đồ vật. Chúng có thể phân biệt khá tốt những từ như "con chó", "con mèo", "ô tô", chiếc ly, bông hoa ...

học tiếng anh 4

1-2 TUỔI

Những đứa trẻ tiếp tục lắng nghe ngôn ngữ từ môi trường xung quanh của chúng. Chúng bắt đầu nhận thức được và phản ứng với những câu nói như "Con gọi ba đi", "Con gọi mẹ đi", hay "Mẹ đi đâu rồi", hoặc những yêu cầu đơn giản như "vỗ tay nào", "cười nào",...

Lúc này khả năng nghe, hiểu của trẻ vẫn tốt hơn khả năng nói. Bé bắt đầu nói rõ hơn những từ đơn giản mà chúng ta dạy hàng ngày như "ba", "mẹ", "bà", "ăn", "đói"...

Khi đứa trẻ bước sang tháng thứ 22 -24, người lớn chúng ta bắt đầu hướng dẫn bé tập nói những câu ngắn, đứa trẻ có thể nói những câu ngắn đơn giản một vài từ để diễn đạt mong muốn và suy nghĩ của chúng với mọi người xung quanh. Những câu nói của trẻ lúc này chưa thực sự rõ âm, sai âm, sai từ, và còn khá khó nghe, khó hiểu.

học tiếng anh 5


2 - 4 TUỔI

Giai đoạn này, đứa trẻ tăng nhanh trong việc học ngôn ngữ của nó. Lúc này đứa trẻ dường như có thể gọi tên hầu hết mọi thứ xung quanh nó - từ chiếc ly, quả bóng cho đến đôi giày, bộ quần áo, hay món đồ chơi của chúng. Chúng học được, thu nhận được và nói được nhiều từ vựng hơn, nhiều danh từ, động từ, tính từ hơn vào kho ngôn ngữ của chúng.

học tiếng anh 6

Đứa trẻ có thể nói những cấu trúc câu ngày càng phức tạp hơn. Câu cú ngày càng dài hơn, và các lỗi sai về phát âm, từ vựng và ngữ pháp ít dần đi. Thời gian này, đứa trẻ hoàn toàn có thể diễn đạt những câu ngắn nhưng đầy đủ như "Mẹ ơi, con đói rồi", "Con muốn đi vệ sinh", hoặc "Bạn con cho con cái này"...

Đây cũng là giai đoạn trẻ bắt đầu "trở nên nói nhiều", và càng ngày càng thắc mắc nhiều câu hỏi về thế giới xung quanh của bé như "Bố ơi, tại sao con hươu lại cao thế?", "Mẹ ơi, hôm nay chúng ta sẽ đi chơi ở đâu?", "Tại sao quả táo màu xanh?" 😍...Và rồi, thời gian trôi đi, lượng câu hỏi ngày càng nhiều hơn và khó hơn.

Đây chính là lúc đứa trẻ con đã và đang học tiếng Việt "một cách tự nhiên" và dần trở nên một người "nói tiếng Việt thành thạo" và bản xứ !

học tiếng anh 8

4 BÀI HỌC ĐẮT GIÁ CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

PHẦN 1 ở trên, chúng ta vừa mới cùng nhau phân tích quá trình cách một đứa trẻ học ngôn ngữ đầu tiên một cách tự nhiên.

Vậy, có điều gì trong quá trình này mà người học tiếng Anh trưởng thành có thể "noi theo" và áp dụng vào quá trình học tiếng Anh không ?

Thực ra thì chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ cách học tiếng Việt của con em chúng ta !

Việc hiểu thật rõ, thật sâu quá trình học tiếng Việt của trẻ nhỏ rất quan trọng đối với việc học tiếng Anh, hay bất cứ một ngôn ngữ nào khác của chúng và của cả người lớn.

học tiếng anh 9


PHẦN 2 này của bài viết, chúng ta sẽ nhìn thật sâu hơn vào cách học ngôn ngữ của trẻ để "gặt hái" 4 bài học cực quan trọng quyết định đến việc bạn có học tiếng Anh thành công hay không.

Mỗi một bài học dưới đây là một thành tố quan trọng đóng góp vào sự thành công khi học tiếng Anh của con bạn và chính bạn. Cùng mình đọc thật kỹ PHẦN 2 này nha.

LESSON No.1. Listen, Listen and Listen First.


Nếu bạn để ý những đứa trẻ xung quanh bạn - cũng có thể là con bạn, cháu bạn, em bạn  - bạn sẽ thấy, trong quá trình hấp thụ ngôn ngữ, trẻ con được luyện kỹ năng nghe đầu tiênluyện kỹ năng nghe từ rất rất sớm. Như trong PHẦN 1, chúng ta đã nói, một đứa trẻ bắt đầu lắng nghe những âm thanh, giọng nói xung quanh từ khi còn trong bụng mẹ, trước khi chúng nhìn thấy ánh mặt trời - lúc chào đời.

học tiếng anh 10

Khả năng nghe quan trọng tới mức mà nếu thiếu khả năng nghe, những đứa trẻ không thể phát triển năng lực ngôn ngữ hoàn toàn được.

Do vậy, kỹ năng nghe là trung tâm của một ngôn ngữ.
Là kỹ năng ngôn ngữ đầu tiên mà loài người chúng ta thực hành.

Các bạn hãy cứ luyện kỹ năng nghe đầu tiên trước khi bạn học bất cứ một thứ nào khác của tiếng Anh như từ vựng, ngữ pháp...

Tuy nhiên...

Tuy nhiên, nếu bạn đánh giá kỹ, bạn sẽ thấy có mấy chương trình tiếng Anh, có mấy khóa học tiếng Anh thực sự định vị đúng vai trò của kỹ năng nghe - như một kỹ năng trung tâm? Mà thay vào đó, bạn sẽ thấy là hầu hết tập trung vào việc học ngữ pháp và từ vựng.

Tầm quan trọng của kỹ năng nghe tiếng Anh dường như đã bị hầu hết chúng ta lãng quên và đánh giá thấp, phải không? Nó kiểu như một điều gì đó hiển nhiên vậy, một kỹ năng có thể dễ dàng cải thiện "một cách bị động" ? Hoạt động luyện nghe có vẻ đã bị nhìn nhận sai ?

Trái ngược hẳn với những suy nghĩ thông thường của chúng ta, đối với việc học tiếng Anh hiệu quả, hoạt động luyện nghe tiếng Anh cần phải là một hoạt động CHỦ ĐỘNG và cần phải được THỰC HÀNH SÂU.

học tiếng anh 11


Vậy thì, khi các bạn học tiếng Anh như một ngoại ngữ, đừng có nghe những lời khuyên là luyện nghe bị động nữa ! Bạn cần nghiêm túc dành thời gian luyện nghe tiếng Anh chủ động đi. Đừng chỉ có mở những bài nghe một cách bị động nữa ! Đừng vừa nghe tiếng Anh vừa làm việc khác nữa (=multitask). Hãy nghiêm túc luyện nghe tiếng Anh, nghiêm túc tập trung vào các bài nghe của mình. Bạn hãy ngồi xuống luyện nghe và đừng có di chuyển - y như một đứa trẻ con chưa biết đi luyện nghe vậy đó!

Đây chính là một trong nhiều dạng bài tập về nhà mà mình luôn luôn yêu cầu đối với các học viên của mình, bất kể level của bạn là gì! Bên cạnh khuyến khích các bạn "thụ động" luyện nghe những chương trình các bạn yêu thích như bài hát tiếng Anh, phim tiếng Anh, chương trình TV bằng tiếng Anh, chương trình tiếng Anh online, videos tiếng Anh, bài nói của thần tượng bằng tiếng Anh, ..."Luyện nghe chủ động" là một hoạt động được thiết kế bắt buộc đối với mọi học viên khi tham gia khóa học. Các bạn sẽ được giao bài tập nghe để lấy thông tin và trả lời câu hỏi, sau đó bước tiếp theo  các bạn sẽ viết scripts của từng bài nghe xuống. Giáo viên sẽ trực tiếp sửa bài nghe cho từng học viên.

học tiếng anh 12
Mình luôn dành thật nhiều thời gian sửa từng lỗi sai trong bài nghe cho học viên.

học tiếng anh 13
Nắm được lỗi sai ở kỹ năng nghe của từng học viên.

học tiếng anh 13
Một bạn học viên với rất nhiều điểm yếu ở khả năng nghe...


Mình thực sự cho rằng đây là một hoạt động vàng. Bằng cách viết xuống scripts, học viên của mình vừa được luyện kỹ năng chủ động, vừa ôn từ vựng đã học và đang học (ôn cả nghĩa và cả cách viết từ). Giáo viên vừa giúp học viên thấy được lỗi sai của mình, để từ đó giúp học viên không phạm phải những lỗi sai như vậy trong lần nghe sau; vừa có cơ sở để điều chỉnh giáo trình, để thay đổi cách tiếp cận với từng học viên nhằm giúp các bạn cải thiện được điểm yếu của mình trong suốt quá trình học.

Như vậy, các bạn nên tận dụng mọi cơ hội có thể để luyện nghe người bản xứ nói. Không những vậy, mỗi lần các bạn luyện nghe, đừng để ngôn ngữ trôi qua tai bạn một cách bị động, hãy ngồi xuống, viết ra từ đó là từ gì, câu bạn vừa nghe là gì, nghĩa như thế nào...Có thể bạn không tin, nhưng những việc tưởng chừng nhỏ này lại đem lại hiệu quả lớn lao đó!

LESSON No.2. THE POWER OF REPETITION.

Có bao giờ bạn chơi trò ú òa với một đứa trẻ 6 - 12 tháng tuổi chưa? Nếu chưa thì bạn hãy thử nhé! Rồi bạn thử quan sát và bạn sẽ thấy rất nhiều điều thú vị. Đứa trẻ dường nhưng chẳng bao giờ chán khi chơi trò này cả. Cứ mỗi lần bạn để lộ khuôn mặt bạn, nó sẽ luôn luôn thể hiện sự ngạc nhiên tối đa. Và nó có thể cười nắc nẻ cả ngày - chỉ vì một trò chơi đơn giản như vậy đó!

Bạn thấy đấy, mỗi một lần đều như là lần đầu tiên đối với nó vậy! Nó chẳng bao giờ thấy chán cả. Thậm chí càng chơi nó càng vui hơn, hứng thú hơn nữa.

Sự lặp lại. Một thành tố rất quan trọng của quá trình học tiếng Anh. Nếu có một lý do tại sao trẻ con lại học nhanh như vậy, thì đó chính là chúng học bằng cách lặp đi lặp lại, học đi học lại - thậm chí tới mức làu làu luôn.

học tiếng anh 12


Bạn có công nhận với mình rằng là người lớn chúng ta thì không bao giờ đủ kiên nhẫn để học đi học lại một bài học tiếng Anh không? Chúng ta không bao giờ đủ kiên nhẫn để lặp đi lặp lại một bài học mà không cảm thấy chán như một đứa trẻ chơi đi chơi lại một món đồ không? Người lớn chúng ta thì thường nhanh chóng kết luận học như vậy là "bế tắc", là "dậm chân tại chỗ". Theo quan sát của mình, mình thấy hầu hết các học viên đi học tiếng Anh thì luôn luôn nóng lòng làm sao nhanh chóng nói được tiếng Anh. Cho nên nếu khuyên các bạn lặp đi lặp lại từ vựng, cấu trúc câu hay một chủ đề nào đó, thì thường các bạn cho rằng là mình đang lãng phí thời gian, các bạn thường nghĩ là nên nhanh chóng chuyển sang bài học tiếp theo, chủ đề tiếp theo, những cấu trúc mới hơn...

Chúng ta lặp lại một từ vựng tiếng Anh chỉ có 3 lần, và chúng ta kỳ vọng nó ở lại với chúng ta suốt đời ư? Chúng ta tin tưởng là nó chắc chắn sẽ được lưu lại trong bộ nhớ dài hạn của mình sao? Các bạn có thấy điều này viễn vông, ảo tưởng và phi thực tế không? Ngay cả học tiếng Việt, điều này với chúng ta cũng là không thể.

Lặp đi lặp lại (=repetition) là một trong những yếu tố sống còn trong việc học tiếng Anh. Trừ khi bạn là một thiên tài với một trí nhớ siêu việt, sự lặp đi lặp lại sẽ là một trong những đồng minh quan trọng trên hành trình bạn thành thạo tiếng Anh. 

Sự lặp đi lặp lại mình nói ở đây - sự lặp đi lặp lại trong quá trình bạn học tiếng Anh hiệu quả - có thể là việc các bạn nghe đi nghe lại một số videos (tới mức bạn đã nắm vững scripts trong đầu và biết chắc người nói sẽ nói gì tiếp theo rồi), đọc đi đọc lại một cuốn sách/một đoạn text hay một số từ bằng tiếng Anh (tới mức bạn đã hiểu rõ nội dung, nghĩa và cách dùng của từ ngữ trong đó rồi), viết đi viết lại từ vựng, nghe đi nghe lại những bài talks, làm đi làm lại các bài tập quen thuộc, luyện nói đi luyện nói lại những đoạn hội thoại/những chủ đề đã học, ...

học tiếng anh 12


Các bạn hãy áp dụng phương pháp lặp đi lặp lại này cho đến khi nó trở thành một thói quen học tập của bạn. Bởi vì, nó chính là bản chất của việc học một ngôn ngữ .

LESSON No.3. THE FEAR OF MAKING MISTAKES

Lắng nghe một đứa trẻ 1 tuổi nói chuyện, hầu hết chúng ta thấy thật dễ thương. Chúng thật ngây ngô, vô tội và đáng yêu biết bao. Những câu nói đầu đời từ một đứa trẻ chẳng bao giờ đúng cả - có thể nói là đầy rẫy các lỗi sai - sai ngữ pháp, phát âm sai, dùng từ sai, sai logic...Nhưng bạn có thấy mấy đứa trẻ nó bận tậm đến việc đúng sai trong câu nói của nó hay không? Nó chẳng bận tâm đâu! Nó thích thì nó cứ nói, nó muốn thì nó cứ đặt câu hỏi thôi, hỏi đủ thứ trên trời dưới đất.

Một đứa trẻ một tuổi có thể chỉ vào một con chó, và kêu "meo, meo", hay nó có thể thu hút sự chú ý của con gà bằng cách gọi  "chít chít" 😊😊😊. Và người lớn chúng ta thì thấy trẻ con như vậy thật đáng yêu.

Khi một đứa bé nói “quả cà rốt”, người lớn chúng ta sẽ chẳng phê phán và chỉ trích gì nó cả. Chúng ta sẽ cúi xuống, âu yếm nhìn nó và nhẹ nhàng sửa lại “Chúng ta không nói quả cà rốt nhé, mà là củ cà rốt nha con”.

học tiếng anh 14


Nhưng thường thì chúng ta không có ân cần như vậy đối với người trưởng thành – khi họ bắt đầu học một ngoại ngữ. Khi học tiếng Anh, chúng ta thường quá “nghiêm khắc” đối với chính mình cũng như đối với những bạn học khác.

Chúng ta đã quá quen thuộc với việc được dạy ở trường học rằng mắc lỗi, phạm sai lầm là được điểm kém, là thua kém bạn bè, là kém cỏi. Sai hả? Tệ quá ! Kém quá! Dần dần như vậy theo thời gian chúng ta mang theo nỗi sợ đó vào cả việc học tiếng anh.

Đó là lý do mà tại sao, mà nếu chúng ta không chắc chắn đúng 100%, thì chúng ta sẽ không bao giờ dám tự tin nói ra một câu tiếng Anh cả. Chúng ta sợ sai các bạn! Chúng ta sợ đủ thứ hết á. Sợ sai, sợ thầy cô đánh giá là kém cỏi, sợ bạn bè cười chê, sợ người nghe không hiểu…Do đó, trong giao tiếp tiếng Anh, khi chúng ta muốn diễn đạt một câu, nói ra một câu, chúng ta suy nghĩ, đắn đo đủ thứ - nào là từ vựng dùng phù hợp chưa, ngữ pháp đúng không, dùng động từ nào, chia động từ ra sao, có đúng thì (=tense) không…? Chúng ta cân nhắc quá nhiều chỉ để nói một câu ! Nhưng bạn biết rồi đấy, một đứa trẻ con 1 tuổi hay 2 tuổi thì nó chẳng bận tâm nhiều vậy đâu. Nó cứ nói bi bô cả ngày vậy đó. Không ai hiểu, nó vẫn nói cơ mà. Thỉnh thoảng mình nhìn đứa cháu trai của mình 18 tháng tuổi, nó vừa tự chơi, vừa tự nói một mình, mà chẳng cần ai hiểu nó cả.

học tiếng anh 15



Vậy, tại sao chúng ta không học tập tinh thần “bất chấp” đó từ những đứa trẻ con? Tại sao chúng ta không áp dụng y chang như vậy khi học tiếng Anh ? Tại sao chúng ta không học tiếng Anh – hay bất cứ một ngôn ngữ nào khác mà bạn muốn – như một đứa trẻ ngây thơ ?

Chúng ta chắc chắn biết được bài học này là hiệu quả, vì đứa trẻ ngày nào còn bập bẹ “quả cà rốt” ở trên, giờ đây đã lớn trở thành một sinh viên đại học, một công dân tốt cho xã hội, và hoàn toàn thành thạo tiếng Việt !

Do đó, khi bạn học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, hãy xác định trước cho chính mình một tư tưởng là bạn chắc chắn sẽ mắc lỗi trong quá trình học tiếng Anh, và giao tiếp tiếng Anh. Nói sai từ ? Bình thường. Sai ngữ pháp? Ai học chả vậy. Ậm ừ hả? Chuyện nhỏ. Bạn hãy đối mặt với việc có thể  nói sai, nói chưa trôi chảy, còn ậm ừ ngắt quãng…khi học tiếng Anh.

Cứ mắc sai lầm. Đừng lo lắng gì cả. Quan trọng là bạn cứ tự tin diễn đạt, tự tin giao tiếp. Cứ sai, cứ ngớ ngẩn mà nói, rồi tự cười với chính mình – y chang như một đứa trẻ con 2 tuổi vậy đó! Cứ sai, rồi sửa sai, lại nói, lại sửa – bạn sẽ thành thục tiếng Anh lúc nào cũng không hay luôn.

LESSON No.4. THE PRIMACY OF IMMERSION


Sự đắm chìm trong ngôn ngữ (= immersion) có thể thúc đấy não bộ của chúng ta hấp thụ thông tin và ngôn ngữ như cách mà một người bản xứ làm.

Đó chính là trải nghiệm của một đứa trẻ khi được sinh ra và trải nghiệm thế giới xung quanh theo cách nghĩ và cách quan sát của riêng nó.

Chúng ta cùng nhìn lại những gì mà một đứa trẻ trải nghiệm. Một đứa bé Vịệt Nam đột nhiên bị thả giữa long nước Mỹ, mà không có kết nối Internet.

Tất cả mọi thứ là hoàn toàn mới lạ đối với nó.

Bạn phải dùng toàn bộ khả năng bẩm sinh của mình để đọc thông báo bằng tiếng Anh, chỉ dẫn, lắng nghe người Mỹ nói, và cố gắng hết sức bắt chước những gì họ nói.

Bạn bắt buộc phải giao tiếp cho bằng được cái thứ ngôn ngữ đó, bắt buộc phải giao tiếp cho bằng được thật nhanh, nếu không bạn sẽ chết đói – vì không thể gọi đồ ăn, hoặc không có nơi ở - vì không thể thuê nhà ! Đây chính là minh chứng rõ nét nhất cho việc “đắm chìm ngôn ngữ”, khi mà bạn học tiếng Anh không phải vì bản CV. Mà bạn học nó để tồn tại ! Đây chính là động lực lớn nhất khi chúng ta học tiếng Anh.

học tiếng anh 16



Đây chính là cách trẻ em Việt Nam học tiếng Việt – hoàn toàn tự nhiên, hoàn toàn đắm chìm. Tất cả chúng ta nói tiếng Việt “một cách dễ dàng” vì chúng ta “đắm chìm “ trong môi trường, trong những ngữ cảnh hàng ngày, trong hoàn cảnh giao tiếp hằng ngày. Bạn sẽ chẳng bao giờ thấy một đứa trẻ học ngôn ngữ mẹ đẻ của nó bằng cách đăng kí khóa học và lớp học cả.

Chúng ta có thể có được trải nghiệm “đắm chìm trong tiếng Anh” bằng cách tham gia khóa học tiếng Anh hoặc nghe videos bằng tiếng Anh, xem phim tiếng Anh, coi các bài học tiếng Anh…

Okay, vậy thì bây giờ các bạn đã thấy rằng một đứa trẻ hoàn toàn có thể dạy chúng ta nhiều như thế nào về cách học tiếng Anh hiệu quả rồi phải không?

Các bạn hãy cố gắng ứng dụng thật nhiều 4 bài học này vào việc học tiếng Anh thực tế của bạn nha. (1) Luyện nghe đầu tiên, (2) Lặp đi lặp lại, (3) Đừng sợ mắc lỗi, (4) Đắm chìm trong tiếng Anh.
học tiếng anh 17



Dù cho bạn học tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, Tây Ban Nha, tiếng Hàn hay tiếng Nga, chỉ cần bạn đi theo con đường trên – học tiếng Anh như một đứa trẻ - bạn hoàn toàn có thể nói ngôn ngữ đó như một người bản xứ rất sớm !

Violet  chúc cho tất cả mọi người Việt chúng ta đều có thể nói tiếng Anh thật tốt nha.

Violet Lien.

CONVERSATION

0 comments:

Post a Comment