Về Violet Liên!

Chào mừng bạn ghé năm blog của tôi

Tôi là Violet Liên!

Tôi sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, một vùng đất miền Trung đầy nắng gió, khí hậu khắc nghiệt, nhưng con người lại vô cùng chịu thương chịu khó. Bố mẹ tôi là những người nông dân chân chính, siêng năng chất phác, 1 tay nuôi 5 anh chị em tôi khôn lớn bằng nghề làm ruộng. 

Nhưng bố mẹ tôi là những người hiểu biết, sẵn sàng làm lụng vất vả để cho tất cả anh chị em tôi được đến trường đầy đủ vì bố mẹ hiểu sức mạnh của tri thức. 

Về Violet Liên!

Để đủ trang trải chi phí ăn học và sinh hoạt cho cả 5 anh chị em, bố mẹ tôi đấu thầu thêm một trang trại đất trống rộng lớn. Và rồi chúng tôi bước vào công cuộc khai hoang từ đó. Thời thơ ấu của tôi là những năm tháng lao động cực nhọc và vất vả dưới những cái nắng như đổ lửa, đi kèm gió lào khô rát bỏng da xứ Nghệ, hay trời mùa đông lạnh thấu xương da. 

Không biết bao đêm tôi đi làm, rồi đi ngủ trong nước mắt vì thương cho hoàn cảnh gia đình, trong khi nhìn lại bạn bè tôi thì họ hầu hết có cuộc sống rất nhẹ nhàng. 

Nếu kể ra những công việc cực nhọc thời bé tí của mình, tôi không nhớ hết nữa, từ chăn trâu, cắt cỏ, đào và nhặt từng viên đá, rồi chở đất màu từ nơi khác đến cải tạo trang trại, đi đãi cát ở sông, đi gặt hái cấy cày...không biết bao nhiêu mà kể. 

 Nhưng chính hoàn cảnh gia đình như vậy, chính những năm tháng tuổi thơ cơ cực ấy, đã dạy cho tôi bài học quý giá về “Giá trị của lao động”, để tôi thấy được lao động là hạnh phúc, vì chính tôi đã trưởng thành, và có bản lĩnh hơn từ chính trong lao động. 

Cũng chính những thăng trầm trong đời sống ngay từ bé tôi đã quyết tâm sắt đá là phải học hành thật giỏi để đậu ĐH, để hiểu biết hơn, để đi ra thế giới rộng lớn ngoài kia, để có cuộc sống tốt hơn. Tôi có thể thức thâu nhiều đêm liên tục để học bài và làm bài không biết mệt mỏi.

Đi học Đại học

Rồi tôi đậu vào trường ĐH Ngoại thương – một trường top đầu ở Sài Gòn thời đó với số điểm rất cao. Bố mẹ rất tự hào về tôi

Những năm tháng sinh viên của tôi cũng là khoảng thời gian thử thách tôi ở một thành phố mới đầy nhộn nhịp. Tôi vay mượn số tiền sinh viên từ UBND xã để trang trải học phí. Vì để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, tôi phải đi xe bus từ nhà chị gái ở Bình Dương lên Sài Gòn để đi học. Cứ đi đi về về như vậy hơn 70km trên chiếc xe bus cũ kỹ nóng nực. 

Rồi tôi cũng đi làm thêm đủ công việc từ gia sư, phục vụ nhà hàng, quán cà phê, tiếp thị ở chợ… để thuê trọ ở ghép với bạn ở thành phố. Cuộc sống sinh viên của tôi cũng đỡ cơ cực hơn từ đó. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy chán nản cả. 

Tôi luôn cố gắng trau dồi bản thân, và lạc quan về tương lai phía trước. 
Rồi tôi cũng tốt nghiệp…Còn nhớ năm đó - năm 2013…

học tiếng anh dễ dàng
Ngày tốt nghiệp...

Trong khoảng thời gian sinh viên, tôi luôn nung nấu ý định khởi nghiệp. Vì tôi tin rằng chỉ có làm chủ DN thì tôi mới có thể tạo ra nhiều giá trị cho bản thân, gia đình, và cộng đồng. Còn nhớ cuộc thi  khởi nghiệp “Giải thưởng tài năng Lương Văn Can”

Việc tham gia cuộc thi cũng như đạt giải giúp cho khát vọng khởi nghiệp trong tôi ngày một lớn hơn. Nhưng tôi biết tôi cần trải nghiệm nhiều hơn, thách thức bản thân nhiều hơn trước khi xây dựng DN của chính mình.


Rồi tôi cũng đi làm. Dù là trong công việc nào, tôi luôn làm với 150%, thậm chí 200% công  suất của bản thân và đặt việc học hỏi phát triển trí tuệ của bản thân làm gốc. 

Nhưng bạn biết không, ước mơ thuở bé là được đi ra thế giới bên ngoài vẫn luôn thôi thúc tôi, vì tôi biết thế giới bao la ngoài kia có biết bao con người và mảnh đất thú vị. 

Vừa đi làm, tôi vừa tìm hiểu về thông tin du học, tranh thủ cuối tuần tham gia các hội thảo, hội nhóm để kết nối. Và rồi tôi chọn Đức, hoặc chính là nước Đức , chính phủ Đức đã chọn tôi. 

Tôi tranh thủ quỹ thời gian hạn hẹp để luyện thi IELTS, chuẩn bị hồ sơ, tìm hiểu và chọn trường, thi APS…Lúc nào tôi cũng cảm thấy cuộc sống thật ít thời gian. 

Có lẽ vậy, mà giờ đây tôi biết quản lý thời gian tốt hơn và sắp xếp các ưu tiên trong cuộc sống một cách khoa học hơn.

Những ngày tháng ở trời Âu...

Ngày đầu tiên tôi đặt chân lên nước Đức – một đất nước mới , một môi trường mới… một mình. Tháng đầu tiên trên nước Đức có lẽ không bao giờ tôi có thể quên được. 

2 vali hành lý bị lạc tại sân bay, không biết đang ở đâu. . 
Số tiền tiết kiệm suốt mấy năm đi làm chỉ đủ cho tôi chuẩn bị hồ sơ, làm thủ tục, mua vé máy bay và mua sắm một ít đồ dùng thiết yếu. Số tiền vay mượn bố mẹ để cho vào tài khoản ngân hàng chưa giải ngân được vì thủ tục nhập học chưa xong.

Chỉ còn 500 Euro tiền mặt tôi mang theo bên người. Sau khi đóng một số khoản phí nhập học, đặt cọc phòng ở KTX, mua sắm chăn mền mùng…tôi còn lại đúng… 20 Euro tiền phí sinh hoạt cho một tháng trước khi giải ngân được tài khoản ngân hàng. 

Mà bạn biết, chi phí sinh hoạt tối thiểu của một sinh viên một tháng lúc đó khoảng 200 Euro – 250 Euro. Tôi cũng không biết tôi đã vượt qua tháng đầu tiên đó như thế nào nữa. 

Không người quen, không bạn bè, không dám kêu than, không dám làm phiền ai vì tôi hiểu là một người trưởng thành, bạn phải tự đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống.
 

...và những bài học cuộc đời

Gần 5 năm sống và học tập ở một đất nước phát triển châu Âu cho tôi những trải nghiệm đáng giá trong đời. Nước Đức và người Đức dạy tôi quá nhiều bài học "cuộc đời" mà nếu tôi chỉ ở Việt Nam, con người tôi sẽ không bao giờ trở nên phiên bản như bây giờ. 

Nước Đức là biểu tượng của tính kỷ luật, tính đúng giờ, sự chỉn chu và tinh thần dân tộc. Sản phẩm họ sản xuất ra chất lượng rất tốt, từ những sản phẩm rất nhỏ bé như chiếc bút hay cái kéo, cho tới chiếc ô tô. 

Tôi thật ngạc nhiên và khâm phục khi người dân họ luôn ưu tiên dùng hàng nội địa. Lâu lâu được nghỉ học, tôi lại xách ba lô lên và lang thang các nước lân cận. 

Những thành phố tôi đi, những con người tôi có dịp gặp và giao lưu, dạy cho tôi về tính nhân văn giữa con người với nhau, lòng biết ơn, và sự cho đi. Sự hiểu biết của tôi cũng từ đó mà lớn lên.




Môi trường đa ngôn ngữ

Trong nhà tôi ở, có 2 bạn người Đức, 1 bạn người Ai Cập. Các bạn, dù mới 20, 21 tuổi, đều rất giỏi ngoại ngữ, không chỉ một mà hai ba, thậm chí bốn ngoại ngữ, bên cạnh tiếng Đức và tiếng Anh. 

Tiếng Anh của tôi có thể nói là giao tiếp tạm ổn, nhưng tiếng Đức thời điểm đó thì cũng chỉ bập bẹ một số câu giao tiếp cơ bản, vì tôi không có nhiều thời gian chuẩn bị cho tiếng Đức trước khi bay. Cuối tuần, 4 chúng tôi lại hẹn ăn tối cùng nhau. 

Tôi rất khâm phục các bạn tôi khi đang giao tiếp bằng tiếng Anh, lại có thể chuyển qua nói chuyện rôm rả bằng tiếng Đức. 

Thật thú vị! Tôi thắc mắc tại sao các bạn nước khác có thể nói được nhiều ngôn ngữ thành thạo như vậy, trong khi có những bạn trẻ người Việt chúng ta học chỉ một ngoại ngữ, tận 10 năm thậm chí có người 20 năm, không thể nói được một câu hoàn chỉnh. 

Những người bạn Đức khác tôi quen họ đều thế. Việc nói được nhiều ngoại ngữ cùng lúc với họ là quá bình thường. Rồi họ đi du lịch, nói chuyện với người bản xứ, tăng trải nghiệm, tăng hiểu biết.
 

Con đường tôi đi

Đó chính là những câu hỏi đầu tiên cho sự nghiệp của tôi hiện giờ - giúp tôi nhận ra con đường mà tôi sẽ đi. Từ kinh nghiệm nhiều năm học tiếng Anh, rồi sau này là tiếng Đức và tiếng Trung, tôi nhận ra rằng hầu hết người Việt chúng ta đã học không đúng cách. 

Chính bản thân tôi trước khi thành thạo tiếng Anh, rồi đi du học, tôi cũng mất rất rất nhiều năm để học nó “một cách không hề hiệu quả”. Trung tâm nào cũng đăng ký đi, lớp học nào cũng tới. Nghe danh ai ở đâu dạy hay tôi đều không bỏ sót.

Lãng phí không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc. Nhưng suy xét lại thì hiệu quả thực sự không được bao nhiêu.

Rồi tôi cũng tìm ra được một “lộ trình” học tiếng Anh hiệu quả cho người Việt. Giảm thiểu tối đa thời gian lãng phí cho người học, mà lại đúng chuẩn trong giao tiếp.


Tôi biết con đường tôi đi sẽ còn rất nhiều thử thách.
Nhưng tôi không sợ. Tôi luôn tin vào giá trị mình mang lại cho cộng đồng.

Hi vọng bạn có thể thu lại được gì đó khi tới “ngôi nhà thứ hai” này của tôi.

Thân mến!


CONVERSATION

0 comments:

Post a Comment